• Author:Linh Nghiêm
  • Comments:0

Phượng Hoàng Cổ Trấn – Chuyến Đi Của Thanh Xuân

Mùa hè là mùa của những chuyến đi, là cơ hội để ta “đi trốn” những lo toan, bộn bề và áp lực công việc thường nhật. Du lịch để trải nghiệm và tận hưởng còn là cách hiệu quả nhất để “sạc pin” năng lượng sáng tạo sau chuỗi ngày căng thẳng đuổi bắt với deadline và brainstorm nổ não căng óc. Vì thế, tạm gác lại những dự án còn dang dở, Ban quản trị Công ty FMC Marketing đã quyết định tổ chức chuyến du lịch khám phá Phượng Hoàng Cổ Trấn – Vùng đất xinh đẹp nhất Trung Quốc cho tập thể nhân viên để mọi người có thể tận hưởng một mùa hè “chill” hết mình!

Cuộc hành trình 6 ngày 5 đêm đã đem đến những trải nghiệm tuyệt vời cho đại gia đình FMC Marketing. Từng điểm đến chính là từng kí ức được khắc ghi.

Phượng Hoàng Cổ Trấn

Từ hơn 1300 năm trước, bên dòng Đà Giang có một cổ trấn mang tên Phượng Hoàng. Đôi mắt người xưa thật tinh tường khi chọn mảnh đất này là nơi an cư. Không gian trầm mặc, kiến trúc tinh tế và độc đáo của những ngôi nhà cổ, đền chùa, cây cầu, dòng sông… đã tạo nên một Phượng Hoàng Cổ Trấn đẹp đến nao lòng. Sự pha trộn về cơ cấu dân cư như người Miêu, Hán, Thổ Gia, Hồi… đã tạo nên nét sinh hoạt rất riêng và xưa cũ. Như một bức tranh huyền bí, với điểm nhấn là khung cảnh trầm mặc, đậm màu sắc cổ xưa, Phương Hoàng Cổ Trấn như muốn thách thức bạn đến tìm hiểu và khám phá.

Cổ trấn có nhiều cầu bắc qua sông cũng như ngóc ngách, phố nhỏ, vì vậy, khi đi bộ, bạn sẽ có thể thăm thú được những ngôi nhà kiến trúc cổ, lướt qua những khu chợ nhiều màu sắc và dừng lại thưởng thức đặc sản của thị trấn cổ bất kì lúc nào.

Đậu phụ thối

Một trong những món đặc sản của nơi đây chính là đậu phụ thối hỏa cung điện. Nguyên liệu chính của món ăn này rất đơn giản, chỉ gồm nước sốt làm từ đậu tương. Đậu phụ được chiên giòn bằng dầu cây trà trên lửa nhỏ, rồi cho thêm dầu mè và sốt tương ớt. Đây là món ăn sẽ khiến bạn có phần ngại miệng khi dùng nhưng ăn rồi thì lại nhớ mãi vị đậu thơm bùi béo ngậy giòn tan khó cưỡng.

Bánh tép

Nếu là tín đồ ăn vặt, bạn sẽ bị Phượng Hoàng Cổ Trấn “hớp hồn” với vô vàn các loại bánh trái từ truyền thống và hiện đại. Nhưng đặc biệt nhất chính là món bánh tép với giá chỉ 5 tệ/chiếc. Bánh tép với nguyên liệu là tép tươi đánh bắt từ dòng sông Đà Giang, tép sẽ được trộn và đem rán cùng với trứng và bột. Khi bánh chín sẽ được rắc thêm một lớp hành và ớt. Chấm cùng nước sốt dùng kèm và cắn một miếng, bánh giòn rụm hòa cùng vị tươi ngon của tép sẽ khiến bạn muốn nhâm nhi mãi không thôi.

Gà nung đất sét

Gà nung đất sét hay gà “ăn mày” chính là đặc sản Team FMC cực kì thích thú khi thưởng thức. Gà ta được bọc trong lá sen, sau đó đắp đất sét phía ngoài rồi đem đi nướng. Cách chế biến đặc biệt này sẽ giúp phần thịt gà giữ nguyên độ mềm và mọng nước, thơm mùi lá sen cực kì hấp dẫn.

Lẩu cá cay

Vì khí hậu ở Phượng Hoàng Cổ Trấn se se lạnh nên các món ở đây hầu như đều mang vị cay nồng ấm áp. Trong số những món ăn làm ấm bụng của người dân nơi đây thì phải kể đến món lẩu cá cay, còn được xem là đặc sản của vùng đất này. Cá được đánh bắt từ sông Đà Giang ngay tại thị trấn và đem đi chế biến ngay nên món ăn vẫn giữ nguyên được vị ngọt, tươi và thịt cá dai, bùi hấp dẫn. Không giống như Việt Nam ta, ăn lẩu phải kèm bún, mì… ở Phượng Hoàng Cổ Trấn, người ta lại ăn lẩu cùng với cơm trắng. Nếu là một người có khẩu vị cay, bạn sẽ vô cùng thích món ăn này. Còn gì tuyệt vời hơn khi xuýt xoa hít hà nồi lẩu ấm nồng, cay cay vị ớt vị tương giữa một Phượng Hoàng Cổ Trấn đặc trưng với se lạnh và sương mù. Ăn cùng các loại rau và nước chấm riêng biệt thì đúng là sự hòa quyện tuyệt vời của sắc – vị – hương. Đây thực sự là món ăn không nên bỏ qua khi đến đây!

Ngoài văn hóa ẩm thực độc đáo, điểm nhấn khó quên của Phượng Hoàng cổ trấn có lẽ là dòng Đà giang xanh biếc thơ mộng. Dòng sông phẳng lặng, nằm yên bình bên khu phố cổ. Khi chiều tà buông xuống, hình ảnh những ngôi nhà cổ áp sát vào núi soi bóng xuống dòng sông Đà tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Lúc này, khi ngồi thuyền xuôi theo dòng sông, ngắm khung cảnh tuyệt đẹp ven bờ, bạn sẽ thấy được Tháp Vạn Dân, những công trình kiến trúc cổ, những nhà sàn đặc trưng của dân tộc Thổ Gia hiện ra sừng sững trước mắt.

Khác với vẻ bình yên thơ mộng vào buổi sáng, Phượng Hoàng Cổ Trấn về đêm vô cùng náo nhiệt, rực rỡ với con đường quán bar, những tiệm café acoustic san sát hai bên bờ sông. Đi dạo dọc con đường ven sông, đắm chìm vào bầu không khi nên thơ với ánh đèn lãng mạn soi bóng mờ ảo và âm nhạc trầm bổng du dương, bạn sẽ cảm thấy giây phút đó chính là điều tuyệt diệu nhất thế gian. Nó sẽ mãi ghi dấu và khiến bạn lưu luyến cổ trấn không muốn rời.

Phù Dung Cổ Trấn

Nằm trên dãy núi Sùng Sơn huyền bí, Phù Dung Trấn không chỉ khoác trên mình một nét đẹp thanh bình mà còn vô cùng quyến rũ với những thác nước hùng vĩ dưới thị trấn. Nhìn từ xa Phù Dung Trấn như được treo lơ lửng trên những thác nước vì vậy Trấn Phù Dung còn được mệnh danh là “ Thị trấn treo trên thác”. Thác nước nằm ở phía Tây của thị trấn cổ ngàn năm tuổi với độ cao 60m, rộng khoảng 40m, ngọn thác như dải lụa trắng xóa mềm mại được bàn tay ai trải ra trên vách đá. Bao quanh thác nước là núi non và cây cỏ xanh rì soi bóng xuống dòng nước trong vắt, những tia nắng lung linh soi chiếu tạo nên khung cảnh tựa như mơ.

Đến với Phù Dung trấn, dạo bước trên những con đường đá uốn lượn, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mơ màng của thị trấn với thác nước vây quanh, bọt tung trắng xóa, reo vui ầm ầm; những nếp nhà cổ mộc mạc nằm rải rác, những bức tường khắc hoa khi ẩn khi hiện. Có lẽ Phù Dung Trấn không mang vẻ đẹp đài các thơ mộng như  Phượng Hoàng Cổ Trấn nhưng nét cổ kính và bình yên chính là điểm khiến bạn ấn tượng không thể quên.

Đồng Nhân: Miêu Vương Thành – Tường thành biên giới Đại Minh

Điểm đến đầu tiên trong chuyến hành trình khám phá Đồng Nhân đó là Miêu Vương Thành – một làng cổ của dân tộc Miêu nằm ở Tây Nam – Trung Quốc. Miêu Vương Thành trước đây từng là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế, quân sự của dân tộc Miêu. Đến đây đại gia đình FMC được dịp tham quan kiến trúc của làng cũng như tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của người Miêu.Theo dòng chảy của thời gian, mọi thứ ở ngôi làng này lại không thay đổi, vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn giá trị của nền văn hóa bản địa thậm chí càng rõ nét hơn trong cuộc sống hiện đại.

Đến với trại Miêu Vương bạn sẽ choáng ngợp bởi lối kiến trúc nhà cửa ở nơi đây. Những mái ngói âm dương sẫm màu nằm quần tụ ở địa hình chênh vênh, trước hiên nhà treo nào bắp, nào ớt khô tưởng chừng như đi lạc vào thời kì cận đại. Người Miêu thuộc dân tộc ít người thường sống tập trung ở những khu vực đồi núi nên nhà cửa của họ cũng được xây dựng theo kiến trúc phù hợp với địa hình dốc núi. Ngôi nhà truyền thống của người Miêu đa số dùng chất liệu bằng gỗ, xây trên các trụ cao có tên gọi là Điếu Cước Lâu.

Một ngôi nhà thông thường có 3 tầng, tầng 1 dùng để chăn nuôi gia súc tương tự với kiến trúc nhà sàn Tây Nguyên Việt nam, tầng 2 là nơi sinh hoạt chung của các thành viên trong gia đình và tầng 3 là nơi lưu trữ thóc. Tại Miêu Vương Thành, hầu hết các đồ vật được trưng bày trong nhà khá đơn sơ và thường là những vật dụng sinh hoạt và lao động sản xuất như khung dệt, công cụ trồng lúa,…

Điều đặc biệt trong lối trang phục của người Miêu chính là họ rất thích đeo trang sức bằng bạc. Theo quan niệm của người Miêu, trang sức bạc mang lại ánh sáng và xua đuổi tà ma. Không chỉ vậy, họ còn quan niệm rằng, những cô gái Miêu đều phải có một bộ trang sức bạc trước khi lập gia đình, nếu không thì con gái không thể gả chồng. Cũng chính vì những tập tục còn giữ lại này mà Miêu Vương Thành có một nền văn hóa hết sức thú vị.

Thiên Môn Sơn

Nếu Trương Gia Giới mang nét đẹp hoang sơ nguyên thủy của những cột trụ chống trời cao vút, Phượng Hoàng cổ trấn mang nét cổ kính, thơ mộng của những ngôi nhà rêu phong, thì Thiên Môn Sơn lại mang một nét hùng tráng, thiêng liêng.

Thử thách đầu tiên chào đón Team FMC chính là Cung đường 99 khúc cua cùng độ dốc đáng sợ, đây cũng chính là lí do Thiên Môn Sơn được mệnh danh là một trong những cung đường nguy hiểm nhất thế giới! Từ trên cao nhìn xuống, con đường trông như một con đại bạch long uốn lượn đang vươn mình lên bảo vệ đỉnh núi thiêng. Dù chiều dài chỉ khoảng 11km nhưng vì có sự chênh lệch rất lớn ở điểm đầu và điểm cuối lên đến 1,300m nên độ dốc ở đây là điều khiến các tay lái lành nghề nhất cũng phải e dè.

Sau khi vượt qua một chặng đường thót tim, cửa ải tiếp theo chính là 999 bậc thang thử thách sự kiên trì và sức khỏe của bản thân. Cầu thang này được chế tác bằng đá, thẳng đứng, chia làm 3 làn và có tay vịn. Con số 999 được lựa chọn với ý nghĩa là con số may linh thiêng với người Trung Quốc, có thể đem lại nhiều may mắn. Vào những ngày mây phủ, nơi đây được bao trùm bởi không khí kỳ ảo, lung linh khiến bạn cảm thấy chỉ cần vài bước nữa đã có thể lạc vào một cõi tiên.

Chặng đường gian nan là thế nhưng lại được đền đáp rất tương xứng bởi khung cảnh chốn bồng lai đẹp đến nghẹt thở ở Cổng trời. Đây vốn là một cổng đá cao 130m, rộng 57m, hình thành sau một cơn đại hồng thủy khiến núi đá vôi sụp xuống tạo thành mái vòm. Cái tên Thiên Môn tức nghĩa là “cổng trời” cũng ra đời từ đó. Từng áng mây lãng đãng trôi xung quanh hòa cùng tia nắng lắp lánh tạo nên một khung cảnh hùng vĩ tuyệt vời.

Đứng từ đây phóng tầm mắt nhìn ra cảnh vật nhỏ bé bên dưới, bạn sẽ có cảm giác bình an, như hư như thực, tưởng như ắp chạm đến chốn thiên đình. Xung quanh cổng trời, bạn sẽ bắt gặp những lá bùa màu đỏ được người vãn cảnh để lại với mong muốn cầu bình an, may mắn cho người thân, gia đình và cũng như một lời chứng nhận họ đã vượt qua được giới hạn của bản thân để chạm tay đến vùng đất thiêng.

Nếu không đủ can đảm vượt qua cung đường thám hiểm ngằn nghèo kia, bạn có thể chọn đi bằng tuyến cáp treo dài nhất thế giới ở đây, với 98 cabin và tổng chiều dài lên tới 7,455m. Ngồi trên cabin và ngắm phong cảnh thay đổi nhanh chóng từ khi cáp treo bắt đầu chạy, bạn sẽ bị bất ngờ, thậm chí vỡ òa khi nhìn thấy những khung cảnh ở bên dưới cáp treo. Mây trắng bao quanh những đỉnh núi xanh biếc, những hàng cây lá vàng lá đỏ tạo thành một bức tranh đầy màu sắc. Cảm giác bản thân như đang cưỡi gió đạp mây trong không trung vô cùng thú vị và khó quên.

Miền đất thiêng này quả không ít điều thử thách sự gan dạ của người tham quan khi còn sở hữu một con đường trong suốt làm từ kính cường lực ở độ cao gần 1,500m, được gọi là Skywalk. Con đường được xây men theo vách đá dựng đứng đi vòng quanh đỉnh núi với chiều dài 100m và rộng 1,6m; đem lại cảm giác thót tim nhưng cũng không kém phần thích thú. Lan can cũng được thiết kế bằng kính trong suốt khiến bạn có cảm giác dạo bước trên mây. Từ đây bạn sẽ có một tầm nhìn đẹp nhất ngắm nhìn sự hùng vĩ, hoang sơ của thiên nhiên. Thiên Môn Sơn quả thật rất xứng danh một điểm đến không thể bỏ qua của những ai trót say phong cảnh hữu tình của núi non xưa của Trung Quốc.

Viên Gia Giới

Trong khuôn viên núi Viên Gia Giới có rất nhiều điểm tham quan và trải nghiệm đáng nhớ khi Team FMC đến nơi đây chính là:

Thang máy Bách Long

Có những điều muốn làm, những nơi muốn đến tưởng như chỉ nằm trong suy nghĩ. Nhưng tất cả điều đó lại có tại công trình giữ ba kỷ lục Guinness thế giới: Thang máy ngoài trời cao nhất thế giới, thang máy ngắm cảnh loại hai tầng cao nhất thế giới và thang máy lưu thông hành khách nhanh nhất thế giới với khả năng chuyên chở lớn nhất. Đó chính là thang máy Bách Long tại Công viên quốc gia Trương Gia Giới.

Quan sát toàn cảnh thang máy Bách Long từ trên cao ta mới cảm nhận hết được sự hùng vĩ, ngoài ra khu vực này còn là nguồn cảm hứng cho việc sáng tạo các dãy núi Hallelujah trong bộ phim nổi tiếng Avatar.Người ta còn ví von hệ thống thang máy Bách Long là tháp Eiffel của Trung Quốc.

Tưởng tượng trong thế giới tự nhiên, thang máy Bách Long được ví như những con rồng đang vươn mình trên đỉnh núi. Công trình này đáng là tuyệt tác của sự sáng tạo và mang tầm ý nghĩa lớn cho nhân loại. Trải nghiệm hệ thống thang máy ấn tượng này chính là kỉ niệm khó quên sau chuyến đi của đại gia đình FMC.

Núi Hallelujah

Núi Hallelujah hay còn được gọi là núi Cột Trụ Trời Nam là một địa điểm tham quan nổi tiếng tại Trương Gia Giới. Với chiều cao 1080m, ngọn núi này còn có cái tên gọi khác là chiếc cột nối liền bầu trời và mặt đất. Vẻ đẹp huyền bí của Cột Trụ Trời Nam cùng những cột đá thẳng chìm trong mây khác ở khu vực Trương Gia Giới đã trở thành nguồn cảm hứng cho đạo diễn James Cameron tạo nên những thước phim tuyệt đẹp trong bộ phim bom tấn Avatar.

Thiên Vân Độ

Có lẽ trải nghiệm Team FMC mong chờ nhất chuyến hành trình chính là tha hồ được chụp hình check-in “sống ảo” trên chiếc cầu kính Thiên Vân Độ – cầu kính cao nhất và dài nhất trên thế giới! Với chiều dài 430m, chiếc cầu kính Trung Quốc này nối hai đỉnh núi trong công viên Trương Gia Giới ở độ cao hơn 300m. Không phải ai cũng có đủ dũng khí đứng trên cây cầu này vì sẽ choáng ngợp với vực sâu thăm thẳm ngay dưới chân. Ngoài cảm giác run sợ và mạo hiểm thì từ trên cầu kính, ta có thể ngắm được toàn cảnh núi non trùng điệp từ phía trước, phía sau và ngay dưới chân mình, cảm giác sợ hãi trộn lẫn phấn khích thú vị khôn tả. Là những linh hồn đam mê thách thức, Team FMC thực sự đã có những giây phút quẩy hết mình tại đây để có những pô ảnh “chất như nước cất”! Những kỉ niệm thật đáng yêu và không thể nào quên!

Và thế là chuyến hành trình khám phá Trung Quốc trong 6 ngày đã đến lúc kết thúc. Có chút lưu luyến, có chút vấn vương với nền văn hóa và con người thân thiện nơi đây khi ra đi. Đại gia đình FMC cũng đã có cơ hội hiểu nhau nhiều hơn, gắn kết với nhau hơn qua chuyến đi gần một tuần “đồng cam cộng khổ” trèo đèo lội suối này. Với tinh thần đã được “sạc” đầy cảm hứng sau chuyến đi vui hè, các thành viên của gia đình FMC Marketing đã hoàn toàn sẵn sàng cho những thách thức mới đang đón chào!